Phát hiện năng khiếu ở trẻ


Rất nhiều trẻ có những năng khiếu đặc biệt nhưng do cha mẹ không kịp thời phát hiện nên không thể giúp con phát triển được năng khiếu của mình.
Cha mẹ nên chú ý phát hiện sớm năng khiếu để giúp con phát triển.

Bạn có thể phát hiện con mình có năng khiếu hay không qua một số đặc tính dưới đây.

Nhận diện những đứa trẻ thông minh

Biểu hiện về nhận thức: Trẻ rất tò mò, quan sát tốt, chú ý lâu vào những việc người lớn đang làm, quan tâm nhiều đến các thành viên trong gia đình, trẻ có trí nhớ tuyệt vời. Khi nói năng, trẻ có khả năng lý luận xuất sắc. Trẻ có khả năng trừu tượng, khái niệm hoá và tổng hợp.

Trẻ nhanh chóng và dễ dàng thấy mối quan hệ trong ý tưởng, sự vật hoặc sự kiện. Có tư duy chính xác, sinh động, độc đáo. Kỹ năng giải quyết vấn đề xuất sắc. Học nhanh và ít cần thực hành, tưởng tượng mạnh mẽ.

Nét xã hội và cảm xúc: Trẻ rất quan tâm đến các vấn đề triết lý và xã hội, rất nhạy cảm về cảm xúc và thể chất. Trong các sinh hoạt hàng ngày, trẻ tỏ ra lo lắng về công bằng và bất công, có thái độ cầu toàn, đầy nghị lực.

Trẻ có năng khiếu thường phát triển tốt tính khôi hài. Ngay từ bé đã biết phát triển mối quan hệ tốt với cha mẹ, thầy cô và người lớn khác. Một điều đặc biệt là trẻ có từ vựng phát triển rộng, có thể đọc sớm và nhanh.Trẻ thích sinh hoạt trí tuệ, thích sách báo dành cho trẻ lớn, có tính đa nghi, phê phán và đánh giá.

Nuôi dưỡng trẻ có năng khiếu bằng cách nào?

Trắc nghiệm đo chỉ số thông minh (IQ) có thể giúp cha mẹ xác định trẻ có năng khiếu, để cha mẹ được yên tâm về năng khiếu của con. Tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý, nếu trẻ chỉ nổi trội trong một vài lĩnh vực (như biết đọc, đếm số sớm) nhưng lại chậm phát triển ở những lĩnh vực khác (như chậm nói, ít giao tiếp bằng ánh mắt, thích chơi một mình) thì cần đưa trẻ đến gặp chuyên viên tâm lý càng sớm càng tốt để phát hiện những vấn đề tâm lý và được hướng dẫn về cách nuôi dưỡng trẻ.
Theo sự hướng dẫn của trẻ: Con bạn thích gì? Trẻ có vẻ giỏi về điều gì? Hãy tạo cơ hội cho trẻ làm việc với những điều trẻ thích hoặc có năng khiếu. Ví dụ: Nếu trẻ thích khủng long thì hãy cho trẻ đọc sách về khủng long. Cho trẻ chơi với trò chơi và hình lắp ghép khủng long. Cho trẻ xem khủng long trong viện bảo tàng. Nếu trẻ giỏi nhạc hoặc thể thao, hãy cho trẻ có cơ hội học một nhạc cụ hoặc chơi một môn thể thao nào đó.

Giúp trẻ quan tâm đến nhiều lĩnh vực rộng hơn: Trong khi điều quan trọng là cung cấp cơ hội cho trẻ làm việc với những điều trẻ quan tâm hoặc có sở trường, bạn cũng cần cho trẻ tiếp cận với những điều mới. Nếu trẻ không được tiếp cận với điều mới, ví dụ như âm nhạc, thì trẻ không thể biết là có thích hay không. Trẻ không cần bị ép buộc để thử những điều mới nhưng trẻ cần được khuyến khích. Không áp đặt, tuy nhiên, cần nhấn mạnh để trẻ không bỏ cuộc sau 2 ngày.

Hãy sáng tạo: Trẻ có năng khiếu suy nghĩ và giải quyết vấn đề, vì thế hãy cho trẻ cơ hội để thực hiện việc đó. Ví dụ, nếu một trẻ nhỏ thích đọc thì bạn nên ghi vài chữ cho trẻ đọc. Nếu trẻ thích khoa học, bạn có thể cho trẻ cùng nấu ăn với bạn rồi hỏi trẻ tại sao rau trở thành mềm khi được luộc và bánh nổi lên khi được nướng.

Cho trẻ sinh hoạt dã ngoại: Khuyến khích trẻ viếng thăm viện bảo tàng, vườn thú, nhà hát, trường học, di tích lịch sử, vườn hoa.

Có nhiều dụng cụ đa dạng tại nhà: Những dụng cụ này không cần phải đắt tiền, chỉ cần giúp trẻ tiếp cận với những điều mới. Ví dụ, để khuyến khích năng khiếu nghệ thuật, bạn chỉ cần mua hộp màu, cọ vẽ, giấy trắng, bút chì.

BS Phạm Ngọc Thanh
Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét