Vào dịp Tết, nếu đi chơi và về thăm quê xa, cần chuẩn bị đồ dùng cá nhân, thuốc uống cho trẻ. Dưới đây là những điều phụ huynh cần lưu ý để giúp trẻ khỏe mạnh. Chuẩn bị đồ dùng cá nhân cho trẻ.
Nếu đi chơi xa ở vùng có thời tiết lạnh: điều quan trọng nhất là luôn phải giữ ấm cho trẻ, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh hay viêm mũi xoang. Chuẩn bị bộ đồ ấm, đôi tất dày mềm, khăn cổ, mũ len, khẩu trang khi đi gió. Chú ý không nên mặc quá nhiều quần áo cho trẻ, vì trẻ nhỏ thường ra rất nhiều mồ hôi ngay cả khi trời lạnh, nếu không lau mồ hôi sẽ khiến bé bị cảm vì mồ hôi. Nếu trời không quá lạnh, hoặc khi ở trong nhà, bạn có thể cởi bớt áo khoác ngoài để cho bé được thoải mái.
Nếu đi chơi xa ở vùng biển:
- Trẻ dưới 3 tuổi: không nên để bé phơi nắng vì làn da bé rất mỏng dễ hấp thu ánh sáng và chưa sẵn sàng để làm cho các melanocyte (tác nhân giúp da chống lại tác hại của tia cực tím) hoạt động. Hôm đầu tiên không nên cho bé tắm biển ngay mà chỉ chơi nước thôi để chờ cho bé quen với không khí ở biển. Tắm vào buổi sáng trước 8 - 9 giờ và chiều sau 4 - 5 giờ. Thời gian tắm chừng 15 phút. Lên bờ cần quấn khăn bông và thay quần áo khô cho bé luôn.
- Trên 3 tuổi: tránh phơi nắng trong khoảng từ 11 - 15 giờ, chỉ nên phơi trước và sau giờ cao điểm trên để hưởng lợi ích từ ánh nắng mặt trời. Bôi kem chống nắng, nên mua loại dành riêng cho trẻ con của các hãng tin cậy, độ chống nắng SPF 30 - 50, nên bôi 15 - 30 phút trước khi tắm dưới nắng biển. Cần chú ý đến những vùng đặc biệt nhạy cảm như mũi, tai, gáy, bắp chân và mu bàn chân. Nhớ bôi thêm một, hai lần nếu ở lại bãi biển lâu. Khi trời nắng gắt, cho trẻ đội mũ rộng vành che kín gáy. Trẻ nhỏ tắm biển luôn có người lớn sát bên để đề phòng tai nạn “ngạt nước”- “ngạt cát” bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra. Đi chơi tối tại biển, cần cho trẻ mặc quần áo dài tay để đề phòng cảm lạnh do gió se lạnh thổi.
Nói cho con biết, khi con đi lạc: dĩ nhiên điều này không ai muốn xảy ra, bạn luôn phải để ý đến con bạn ở chỗ đông người. Cách tốt nhất là phòng ngừa trước, bạn hãy quan sát tại nơi đến và thỏa thuận với con trước một địa điểm mà bé sẽ đứng chờ bố mẹ nếu chẳng may bị lạc. Dặn dò con bạn cần biết phải làm gì nếu chẳng may mất dấu bố mẹ, hỏi xin sự giúp đỡ của ai thì sẽ an toàn như chú công an, bảo vệ, người bán hàng và những ông bố bà mẹ khác có mang theo trẻ con.
Ăn uống – giấc ngủ
Với những trẻ lớn thì chuyện ăn uống rất đơn giản, có thể ăn chung với cha mẹ. Với trẻ còn bú mẹ, chưa ăn dặm thì mẹ cũng có thể dễ dàng cho trẻ bú bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, các bà mẹ cần phòng ngừa một số bệnh như viêm họng, cảm lạnh, tiêu chảy.
Nếu để bệnh sẽ ảnh hưởng đến việc cho bú, ngoài ra còn lây bệnh cho con. Đối với những trẻ ở độ tuổi ăn dặm, nếu không thể mang bếp ga, nồi, chai lọ đi được vì khách sạn cấm đun nấu trong phòng, hãy chọn các loại bột dinh dưỡng ăn liền tùy theo tháng tuổi của các hãng uy tín. Tuy nhiên, nếu trẻ ăn bột lần đầu cũng có thể sẽ bị rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như đầy bụng khó tiêu, nôn ói, vì trẻ đã quen thức ăn bạn nấu. Trước tình huống này, bạn có thể nhờ nhà hàng của khách sạn nấu giúp tô cháo thịt bằm hay cháo cá cho trẻ, việc ăn uống sẽ dễ dàng hơn bột dinh dưỡng ăn liền. Nếu con bạn đã từng làm quen với bột dinh dưỡng và không bị rối loạn tiêu hóa, có thể yên tâm cho con ăn. Mang theo hộp sữa mà cháu hay uống ở nhà. Mang theo nước uống, trái cây, bánh mà cháu hay ăn.
- Một vấn đề mà cha mẹ cần lưu ý là phải đảm bảo cả giấc ngủ cho con của mình, cố gắng cho trẻ ngủ theo giờ như ở nhà. Nếu bất đắc dĩ lệch giờ, hãy dỗ cho trẻ ngủ khi đang đi trên tàu hay xe. Khi đến nơi vui chơi thì nhớ cho trẻ ngủ đủ giờ để lấy lại sức.
Thuốc men
Thuốc hạ sốt:
Thuốc có tác dụng hạ sốt an toàn cho trẻ là Acetaminophen (hay còn có tên là Paracetamol). Thuốc có nhiều dạng dùng như: gói bột, viên sủi, tọa dược (Efferalgan). Liều dùng có thể được tính như sau: 10 - 15mg thuốc cho mỗi kilôgam cân nặng. Nếu trẻ còn sốt hoặc đau có thể lặp lại liều tương tự sau 6 giờ, ngày dùng không quá 4 lần.
Thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa: Trẻ có thể bị tiêu chảy, đau bụng, ói… Tình trạng kéo dài làm cho trẻ mất nước nhiều nên cần chuẩn bị một số dung dịch bù nước ở dạng gói bột như: hydrite và Oresol. Mỗi gói Oresol 5,58g bột hương cam pha với 200ml nước chín, cho trẻ uống bù từ 30 - 50ml dung dịch đã pha sau mỗi lần đi tiêu lỏng hay ói.
Chuẩn bị thêm một loại men tiêu hóa, giúp ổn định hệ vi khuẩn đường ruột cho trẻ. Nên lựa chọn các chế phẩm chứa vi khuẩn lactis như: Lactobacillus (Antibio: pha một ít nước rồi cho trẻ uống trước ăn hay bú 30 phút 0,5gói -1gói x 2 lần/ngày).
Nếu sau 2 ngày trẻ vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc bệnh trở nặng hơn, nên đưa bé đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám kịp thời.
Thuốc chữa táo bón:
Trong trường hợp trẻ bị táo bón, bạn có thể chuẩn bị thuốc bơm glycerin (Rectiofar), bơm vào hậu môn. Thuốc có tác dụng bôi trơn và làm mềm phân. Trẻ em: liều 3ml bơm một lần, sau khi bơm chừng vài phút là trẻ mắc đi cầu, cho ngồi bô ngay và dỗ dành trẻ khi trẻ khóc do hoảng sợ việc bơm hậu môn. Lưu ý: nhớ bôi thêm thuốc mỡ tetracylin 1% (bôi một lớp mỏng) vào đầu ống bơm rectiofar để cho đầu bơm này nhờn dễ vào hậu môn.
Thuốc trị dị ứng, sổ mũi:
Cần chuẩn bị thêm một số thuốc chống dị ứng như: chlopheniramin 2mg hay 4mg, polaramin 2mg. Dùng trong trường hợp trẻ bị dị ứng do ăn phải thức ăn lạ , hoặc bị dị ứng do côn trùng cắn. Liều dùng chlopheniramin: trẻ < 2 tuổi: 0,35 mg/kg/ngày chia làm 3 - 4 lần, trẻ 2 - 6 tuổi: 1mg mỗi 6 giờ, trẻ 6 - 12 tuổi: 2mg mỗi 6 giờ. Liều dùng polaramin: trẻ 2 - 6 tuổi, ¼ viên x 2 – 3 lần/ngày, trẻ 6 - 12 tuổi: 1/2 viên x 2 - 3 lần/ngày. Thuốc chống say tàu, xe: Với những bé bị say tàu xe, có thể chuẩn bị thêm thuốc chống say tàu xe như: diphenylhydramin (nautamine), cinnarinzine, promethazine. Nên cho bé dùng trước khi lên xe ít nhất 30 phút. Các thuốc trên đều không nên sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi. Liều diphenylhydramin như sau: trẻ 2 – 5 tuổi: 0,5 viên, trẻ 5 - 13 tuổi: 1 viên, trẻ > 13 tuổi: 1 - 1,5 viên.
Nếu dùng thuốc dạng miếng băng dán chống say xe: khi dán hoặc gỡ miếng băng dán nên rửa tay cho kỹ (để thuốc không dính vào thức ăn, thức uống dành cho trẻ). Không được dùng đối với phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Trẻ em trên 8 – 15 tuổi dùng nửa miếng dán, trên 15 tuổi dùng 1 miếng. Khi đang dán băng dán xuyên da và cảm thấy có triệu chứng bất thường như: nhìn mờ, hoa mắt, khô miệng, táo bón, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, bóc miếng dán ra ngay không sử dụng nữa vì đây là tác dụng phụ của miếng băng dán chống say xe.
Thuốc chữa vết thương và các thuốc khác:
Chỉ đối với vết thương xây xát nhẹ ngoài da, rửa sạch vết thương với nước sạch sau đó dùng povidine (sát trùng ngoài da), rồi dùng gạc vô khuẩn băng lại nếu vết thương lớn, khi vết thương xây xát nhỏ thì dùng băng cá nhân y khoa dán lên. Vết thương rách da chảy máu, phải đến cơ sở y tế gần nhất khâu lại. Ngoài ra mang theo nhiệt kế, thuốc nhỏ mắt và mũi natri clorua 0,9%.
BS. MẠNH HÀ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét