Trẻ ăn chung mâm nhưng phải riêng món


Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, cho nên không thể áp dụng các món ăn của người lớn cho trẻ, nhất là với các trẻ dưới năm tuổi.

Nếu ăn chung các món ăn của người lớn, trẻ phải ăn rất nhiều, bằng không sẽ thiếu năng lượng và các chất dinh dưỡng. Ảnh: Hồng Thái

Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ khác người lớn

Nếu tính theo cân nặng cơ thể, nhu cầu năng lượng, chất đạm, chất béo, chất bột đường, các vitamin và khoáng chất của trẻ cao hơn rất nhiều so với người lớn. Ngoài ra, có những khoáng chất trẻ không nên ăn nhiều do chức năng thận chưa hoàn chỉnh, khả năng lọc của cầu thận còn yếu, ví dụ muối ăn, trẻ dưới một tuổi khi nấu ăn không cần cho mắm muối vì nhu cầu muối của trẻ là rất nhỏ (ít hơn 1g mỗi ngày với trẻ từ 12 tháng tuổi trở xuống) và nhu cầu này đã được đáp ứng bằng sữa hoặc muối có sẵn trong các thực phẩm tự nhiên.

Dung tích dạ dày của trẻ tuy nhỏ nhưng nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng lại cao, vì vậy món ăn của trẻ phải giàu năng lượng, cao chất đạm và chất béo. Khi chế biến, phải đảm bảo dù trẻ ăn ít nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng. Nếu ăn chung các món ăn của người lớn, trẻ phải ăn rất nhiều, bằng không sẽ thiếu năng lượng và các chất dinh dưỡng.

Theo tính toán “Nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng của trẻ em và người lớn/ngày”, thì nhu cầu của trẻ rất cao. Nếu tính theo kilogram cân nặng, trẻ cần từ 80 – 120 kcalo/kg/ngày, trong khi người lớn chỉ cần 40 – 45 kcalo/kg/ngày. Hay chất đạm cũng vậy, trẻ cần 2 – 3g/kg/ngày, người lớn chỉ cần 0,8 – 1g/kg/ngày. Đặc biệt chất béo, nếu tính theo phần trăm năng lượng do chất béo cung cấp trong ngày thì rất cao so với người lớn. Trẻ càng nhỏ nhu cầu chất béo càng cao. Vì vậy, ăn chung món với người lớn không thể đáp ứng đủ nhu cầu chất béo cho trẻ. Khi thiếu chất béo, trẻ bị thiếu năng lượng, không hấp thu được các loại vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin A, D, E, K… trẻ sẽ bị còi xương, chậm phát triển chiều cao. Ngoài ra, nhu cầu về các vitamin và chất khoáng của trẻ nếu tính theo cân nặng cũng cao hơn nhiều so với người lớn. Một điều cũng rất quan trọng, như đã nói ở trên, trẻ cần ăn nhạt hơn người lớn, nên nếu ăn chung món với người lớn, trẻ sẽ bị thừa muối, là nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch sau này. Hơn nữa, trẻ nhỏ không thể nhai thức ăn của người lớn. Thức ăn cần băm nhỏ, thái nhỏ, hầm nhừ thì trẻ mới tiêu hoá được. Ngay cả khi trẻ đã ăn cơm thì cơm cũng phải nấu nát hơn người lớn. Trẻ cần ăn thêm các bữa phụ như cháo, mì, súp, sữa… mới đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng hàng ngày, chứ không thể chỉ ăn ba bữa như người lớn. Các món ăn để ăn với cơm như thịt, cá, tôm, canh… phải cho nhiều dầu mỡ hơn.

Mẹ chịu khó, con khoẻ mạnh

Để trẻ phát triển tốt, khoẻ mạnh, các bà mẹ nên chế biến món ăn riêng cho trẻ. Không nên vì ngại nấu hoặc không có thời gian mà cho trẻ ăn chung các món ăn của người lớn. Món ăn nấu riêng nhưng đến bữa lại cần cho trẻ ăn cùng với người lớn, nhất là khi trẻ đã trên một tuổi, để trẻ tập xúc thức ăn. Ngồi ăn cùng bố mẹ, ông bà… trẻ sẽ có hứng thú ăn hơn. Ăn cùng người lớn còn giúp trẻ tập nhai thức ăn, tránh chứng biếng ăn sau này do không biết nhai.

Thông thường khi trẻ còn nhỏ, vẫn trong giai đoạn ăn bột, cháo... thực đơn của trẻ được cha mẹ chú ý hơn, nhưng càng về sau khi trẻ đã ăn được cơm thì mối quan tâm này có vẻ như ngày càng lơi lỏng và điều này sẽ tác động xấu đến sự phát triển của trẻ, nhất là trẻ ở nông thôn hoặc ở các gia đình thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ dẫn đến trẻ càng lớn càng bị còi cọc, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi cao.

Bữa ăn của trẻ đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của trẻ về sau. Nếu các gia đình thực sự quan tâm và bố trí phù hợp thực đơn hàng ngày, trẻ sẽ lớn lên khoẻ mạnh, thông minh.

ThS.BS Lê Thị Hải
Giám đốc trung tâm khám – tư vấn dinh dưỡng,
viện Dinh dưỡng quốc gia

0 nhận xét:

Đăng nhận xét