Nhím (20 tháng) nhà Hồng rất xinh xắn, bụ bẫm. Bé trắng hồng, hai mắt đen láy, đôi má phinh phính... thường được mọi người xung quanh nhận xét là ‘hoa hậu tương lai’. Tuy nhiên, chính vẻ ngoài dễ thương của con gái khiến Hồng nhiều lần thấy phiền.
Có lần, hai mẹ con đang nắm tay đi trên phố, bất ngờ, Nhím bị một phụ nữ giật lại, kêu: “Ôi, bé nhà em xinh thế”. Xong, chưa để Hồng kịp phản ứng, người phụ nữ bế thốc Nhím vào lòng rồi hôn nấy hôn để. Vài lần, Nhím nhăn nhó, khó chịu muốn ngoi ra mà không được. Mấy người phụ nữ xung quanh được thể ùa vào. Người bẹo má, vuốt tóc, xoa đầu, nắn chân, nắn tay khen ngợi Nhím xinh khiến Hồng toát mồ hôi.
“Nói thật thì sợ mất lòng, chứ nhìn cảnh con gái bị hôn hít, sờ nắn như vậy mình chỉ muốn nổi cáu. Mấy bà, mấy chị ấy ngồi ăn vỉa hè, tay chân, mồm miệng toàn thức ăn, dầu mỡ mà cứ ghé xuống mặt để hôn con mình. Biết người ta quý con mình nhưng mình thấy bực mình, xót con. Bây giờ, đưa con đi đâu, tốt nhất mình cứ bế con trên tay, khỏi lo ai giằng lấy” – Hồng bộc bạch.
Trường hợp bé Bông nhà Nga (Từ Liêm, Hà Nội) cũng vậy. Bông 2 tuổi rưỡi, bụ bẫm và cực kỳ dễ thương. Từ khi con còn nhỏ, Nga đã thấy khó chịu khi có người cưng nựng, vuốt má, hôn má, có khi còn cắn yêu vào má con gái. “Có ông thuê trọ gần nhà mình, râu xồm xoàm nhưng lúc nào cũng muốn hôn bé, còn cọ râu vào má bé. Mình ức lắm nên phải quán triệt với cả nhà là không cho ông ý bế” – Nga kể.
Nhiều khi, Nga còn thấy bé nhà mình như là “nạn nhân” của sự hâm mộ. Nga ghét nhất những ai bẹo má, ghé miệng hôn bé vì làm bé đau, lại mất vệ sinh. Dù muốn bảo vệ con mình và tránh để người xung quanh thể hiện tình yêu thái quá với bé nhưng không phải lúc nào Nga cũng làm được. Nhiều khi, mọi người xung quanh hành động quá bất ngờ, khiến Nga không kịp trở tay.
Có lần, hai mẹ con đi nhà sách thì hết mấy cô nhân viên bán sách tới mấy chú bảo vệ ở đó đòi ôm, đòi bế Bông. Có bà khách đi ngang qua, còn đưa tay bẹo má Bông một cái, khen xinh. Lát sau, thấy má con đỏ nựng, Nga mới thấy xót xa và tức. Cô bực mình mãi với bà khách nọ.
Nga kể, bé Bông bây giờ cũng đã lớn nên cô dạy con không cho ai “sờ bím”, nếu ai bảo: “Thơm ông (bà...) đi” thì phải nói “Không” và quay mặt đi, trừ khi đó là người quen. Nếu ai bẹo má làm đau con thì con phải nói là con bị đau...
Bực mình, phiền phức, xót con... cũng là tâm lý của Huế (Thanh Xuân, Hà Nội). Huế có cậu con trai 18 tháng xinh xắn, bụ bẫm, dễ thương, lại lém lỉnh, dễ gần nên ai cũng quý. Có bác hàng xóm rất thích chơi và bế bé nhà Huế nhưng Huế chẳng thoải mái vì bác này hay “nắn chim” của Bi. Không thích, cũng đôi lần góp ý vui là: “Bác không được sờ chim của Bi đâu nhé. Chim bay mất đấy” nhưng Huế cũng không thể kiểm soát được vì bác này thích bế Bi về nhà.
Không ít lần, bác hàng xóm cứ xông vào tận trong nhà, đuổi theo và bế Bi đi chơi khiến Huế bực. Đôi khi, Bi giãy giụa nhưng vẫn bị “bắt” đi bằng được. Dù rất cáu nhưng Huế vẫn phải kiên trì chạy theo, viện lý do bế Bi về để tắm, ăn sữa... mới “giải thoát” được cho con. Ngày nào đi làm, Huế cũng phải gọi điện nhắc nhở ông bà nội trông chừng Bi.
Chưa kể, có lần cả nhà đi công viên, nhiều người đi qua khen Bi đẹp trai, thông minh rồi đòi bế, ôm hôn và có người còn kéo lại để chụp ảnh. “Con xinh đẹp cũng xót. Ai trông thấy cũng muốn bẹo một cái, cấu một cái... khiến mình phát mệt vì lo” – Huế tâm sự.
Có con xinh xắn và được mọi người “chú ý” là niềm tự hào của cha mẹ nhưng đôi khi cũng kéo theo không ít phiền phức. Do đó, khi mọi người xung quanh thể hiện tình yêu thái quá, người mẹ cần sẵn sàng hành động mà không làm họ mất lòng. Đồng thời, nên dạy cho con những cách phản ứng đúng mực, lịch thiệp để bảo vệ mình mà không khiến mọi người xung quanh mất thiện cảm.
Theo M&B
0 nhận xét:
Đăng nhận xét