Yêu một đằng cưới một nẻo

.


Ai yêu cũng mong cưới được nhau. Nhưng đến khi cưới, nhiều cô dâu, chú rể lại không phải là người nửa kia từng muốn kết đôi trước đó.

Nhớ khi xưa gặp nhau…

Suốt bốn năm đại học, Hòa và Nhân như hình với bóng. Họ cùng quê Tiền Giang. Dù là dân miệt vườn nhưng Nhân cao ráo, trắng trẻo, nói năng nhỏ nhẹ… Còn Hòa thì giống bố anh, tính nóng, dù là người biết sửa sai. Có lần giận người nhà, anh vác rựa ra chặt gần hết nửa đám cam sành vừa cho trái chiếng của gia đình. Sau đó, anh tự vay tiền mua lại cây giống về trồng và ra công chăm sóc.

Ngày đưa Nhân về ra mắt gia đình, nhìn nét mặt cha, Hòa hiểu ngay là ông không hài lòng nên ra sức thanh minh để Nhân hiểu. Tất nhiên, ánh mắt xa lạ và khó chịu đó, không cần giải thích, Nhân cũng hiểu cha Hòa chê mình ốm tong teo sức đâu mà… đẻ cho ông một bầy cháu nội! Nhân tự ái đến xanh mặt và lặng lẽ chia tay Hòa. Buồn cha, buồn chuyện của mình nhưng Hòa không dám cãi lời. Anh nghỉ dạy và âm thầm đăng ký đi bộ đội. Gia đình, bạn bè và cả Nhân cũng bặt tin anh. Ba năm sau, ngày anh ra quân cũng là ngày Nhân làm đám cưới với người khác. Buồn tình, anh về nơi đóng quân cũ ở Phú Giáo (Bình Phước) xin dạy học rồi lập gia đình. Đã có vợ con, nhà cửa đàng hoàng, nhưng hễ gặp lại bạn cũ, anh vẫn náo nức tìm mọi cách để hỏi thăm chuyện chồng con của Nhân.

Cần và Tuyết nhà sát vách nhau trong một con hẻm nhỏ ở Q.3, TP.HCM. Cần là sinh viên ĐH Sư phạm. Nhà Cần nghèo, đông anh em. Ba Cần sửa xe đầu hẻm, mẹ Cần bán gánh bún riêu. Ba má Tuyết nhỏ tuổi hơn ba má Cần gần một con giáp, có hai con gái, Tuyết là con lớn, học trung cấp kế toán. Ban công gác gỗ của hai nhà gần như thông nhau, nên mặc nhiên trở thành điều kiện để rơm lửa gần nhau. Ba má Tuyết sợ con gái yêu con nhà nghèo sẽ khổ, nên chủ động qua nhà “mắng vốn” chuyện đứa con trai lớn nhà bên rù quến con gái mình. Ba má Cần hiểu ngay ý bóng gió “đỉa đừng mơ đeo chân hạc!”. Tự ái, ba má Cần nhất quyết cấm con trai mình nhắc đến cái tên Tuyết. Cần yêu Tuyết nhưng lại thương cha mẹ nên ngoài mặt làm lơ, mà tiền lương dạy học hằng tháng anh lại gửi cho Tuyết giữ làm tin và để dành mua đồ cưới sau này. Một năm dành dụm, lương giáo viên không đủ mua một chiếc nhẫn cưới. Để chứng minh mình có thể bảo bọc chu toàn cho gia đình riêng sau này, Cần quyết định thôi nghề dạy học chuyển qua ngành điện. Nhưng hỡi ôi ba má Tuyết lại dọn nhà đi xa nhằm cách ly tình cảm con gái mình với cậu giáo nhà bên. Bặt tin người yêu khá lâu. Cần cưới một người khác nhưng lòng vẫn buồn. Bây giờ, biết tin Tuyết đã có chồng, nhưng gặp bạn bè, Cần vẫn ước có một ngày gặp lại cố nhân.

Những khoảng trống…

Có một câu ngạn ngữ quen thuộc mà rất nhiều đàn ông quan tâm: “Nếu bạn muốn cưới một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh và giàu có thì phải lấy vợ đến ba lần”. Theo đó, nếu muốn cưới một người mình yêu và có thêm ba “chuẩn” trên thì số lần cưới đương nhiên phải nhiều và khó khăn hơn nữa. Hiểu cách khác: hiếm khi tìm được một lúc nhiều tiêu chuẩn ở một người trong cùng một thời điểm.

Hiếu quê ở Long Xuyên, Hòa ở Phú Nhuận (TP.HCM). Họ yêu nhau suốt tám năm từ khi học chung đại học đến khi ra trường. Hồi đại học, Hiếu ở ký túc xá, ngày nào Hòa cũng mang cơm vào trường hai người ăn chung. Hòa có dáng dấp tiểu thư, yếu đuối nhưng tình yêu thời sinh viên mạnh đến mức khi tốt nghiệp, Hòa tình nguyện về Long Xuyên công tác chỉ để được gần Hiếu. Hòa vừa đẹp, vừa thông minh nhưng cái Hiếu cần hơn thì Hòa lại chưa có. Đó là tiền và địa vị - những thứ mà Hương, con một quan chức ở Trà Vinh, người Hiếu mới quen - đang sở hữu. Hương không xinh đẹp, không thông minh bằng Hòa, nhưng được cái mạnh mẽ trong đời sống tình dục và dễ dàng trong việc hỗ trợ chi tiêu cho Hiếu. Hiếu cân nhắc: nếu cưới Hòa, ngoài tình yêu, sắc vóc và sự thông minh, Hiếu trở thành… người thành phố. Còn chọn Hương, dù đời sống chung có chút gượng ép, nhưng Hiếu lại được nhiều điều. Sau bốn năm lặn lội theo tình, Hòa đành quay về thành phố mở tiệm may khi nhận được thiệp cưới của Hiếu và Hương. Hiếu theo vợ về Trà Vinh và đứng trông hiệu thuốc Tây. Tuy vậy, khi đứa con chung của hai người lên bốn, bạn bè lại nghe tin Hiếu lủi thủi về lại Long Xuyên sống một mình. Lý do, Hiếu và Hương có quá nhiều cách biệt trong nhìn nhận, đánh giá cuộc sống…

Yêu nhau và được sống với nhau là mong muốn hoàn toàn chính đáng. Những rào cản, nếu có, giống như một thứ gia vị tăng thêm độ mặn nồng của đời sống hôn nhân. Tuy nhiên, cũng có 10 lý do khuyên người ta cần tránh đi đến việc kết hôn: 1/ Địa vị xã hội; 2/ Vẻ đẹp bên ngoài; 3/ Áp lực bố mẹ; 4/ Định kiến xã hội; 5/ Lấp chỗ trống; 6/ Nhu cầu tình dục; 7/ Muốn thoát khỏi sự kiểm soát của gia đình; 8/ Cố quên một người; 9/ Thương hại; 10/ Hạp tuổi. Thực tế, có không ít lời khuyên thà rằng ở vậy chứ đừng lấy người mình không yêu. Vì sống chung mà không yêu thì cuộc sống khác gì địa ngục. Tuy vậy, không phải bất cứ trường hợp yêu một đằng cưới một nẻo nào cũng luôn luôn có kết cục buồn. Bởi những người trong cuộc cũng nhận ra rằng, tình yêu không tính toán là thứ có thể hình thành bằng sự chia sẻ chân thành với nhau trong cuộc sống chung vốn chưa có tình yêu trước đó.
PNCN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét