Giữ vệ sinh để ngăn bệnh tay chân miệng

Chỉ trong tháng 4, tại hai bệnh viện ở TP.HCM đã có sáu cháu bé tử vong do mắc bệnh tay chân miệng. Làm cách nào để phòng và phát hiện sớm bệnh này là thắc mắc của nhiều bà mẹ có con nhỏ. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết:

- Năm nay mới vào tháng 4, tháng 5 nhưng số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đã tăng cao, trong đó có nhiều trường hợp nặng. Những năm trước phải đến tháng 9, 10 thậm chí tháng 11, 12 mới có nhiều ca bệnh.

* Nhiều bà mẹ lo sợ trước thông tin đang là đỉnh mùa dịch của bệnh tay chân miệng và đã có một số trẻ mắc bệnh tử vong. Có phải trẻ em nào mắc bệnh tay chân miệng cũng có thể trở nặng?


- Người nhà của trẻ không nên thấy có một vài ca bệnh tay chân miệng tử vong mà hoang mang vì đó chỉ là con số rất nhỏ. Thống kê cho thấy có trên 95% trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tự hồi phục. Trong số những trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng chỉ có dưới 10% số ca tử vong. Điều quan trọng là người nhà cần phải theo dõi sát trẻ. Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tham vấn.

* Làm cách nào để một bà mẹ biết con mình rơi vào trường hợp tự khỏi hoặc có diễn tiến nặng?

- Khi trẻ mắc bệnh các bà mẹ phải theo dõi xem trẻ có bị giật mình, thay đổi giấc ngủ (trẻ quấy khóc, không ngủ được hoặc ngủ li bì), tự nhiên tay chân trẻ bị yếu, trẻ bị sốt liên tục mà không hạ. Đây là những dấu hiệu ban đầu giúp các bà mẹ biết trẻ đã mắc bệnh tay chân miệng nặng và cần đưa đến các cơ sở y tế để điều trị ngay.

* Những triệu chứng của bệnh tay chân miệng?

- Đầu tiên trẻ có thể chảy nước miếng, đau, quấy khóc, sau đó sẽ xuất hiện những bóng nước ở một trong nhiều vùng như tay, chân, miệng, gối, mông, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Đặc biệt những bóng nước này không gây đau. Thực tế cho thấy nhiều cháu bé bị nổi nhiều bóng nước ở tay, chân, miệng... lại mắc bệnh nhẹ.

Ngược lại có một số cháu chỉ bị nổi vài bóng nước trong miệng nhưng bệnh lại có diễn tiến nặng, gây tử vong. Những trường hợp mắc bệnh tay chân miệng nặng mới cần nhập viện điều trị, đa số trường hợp nhẹ được bác sĩ cho chăm sóc và theo dõi tại nhà. Không phải tất cả trẻ đến cơ sở y tế sớm đều cứu được nhưng phần lớn trẻ đến sớm sẽ có ít nguy cơ bị tử vong.

* Thời gian chữa bệnh tay chân miệng có kéo dài? Những biến chứng thường gặp khi mắc bệnh?

- Trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhẹ sau 5-7 ngày sẽ tự hết. Còn trẻ bệnh nặng sẽ có biến chứng suy hô hấp, viêm não, phù phổi, suy tim..., tử vong. Đa số trẻ nhập viện nằm 2-3 ngày là được xuất viện, trường hợp nặng hơn nằm điều trị 4-5 ngày. Bệnh tay chân miệng do virut gây ra.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên các bác sĩ chủ yếu điều trị để giữ cho bệnh đừng diễn tiến nặng thêm. Với những trường hợp trẻ mắc bệnh quá nặng, diễn tiến bệnh nhanh thì bác sĩ cũng không giúp được gì.

* Trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện năm nay có triệu chứng gì khác biệt so với những năm trước?

- Năm nay nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện với triệu chứng bị run chi, trẻ đi loạng choạng nhiều hơn, mắt đảo, vã mồ hôi lạnh. Những năm trước thỉnh thoảng cũng gặp những trẻ mắc bệnh có những triệu chứng này.

Để tìm nguyên nhân gây ra sự thay đổi phải làm xét nghiệm mới biết được. Đợt này Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang hợp tác với một bệnh viện của Đài Loan để làm xét nghiệm trên những ca bệnh nặng.

* Tại sao bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi? Trong lúc mùa dịch bệnh tay chân miệng đang ở đỉnh điểm, những bà mẹ có con nhỏ cần lưu ý điều gì?

- Trẻ trên 3 tuổi ít bị mắc bệnh tay chân miệng vì trước đó những trẻ này từng mắc bệnh tay chân miệng và đã tự hết. Những trẻ này đã có kháng thể. Do vậy trong những đợt bệnh theo mùa thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh tay chân miệng không có thuốc điều trị đặc hiệu và văcxin ngừa bệnh nên những biện pháp phòng ngừa bệnh vẫn quan trọng nhất.

Bệnh tay chân miệng không có trung gian truyền bệnh nào mà chính do sinh hoạt của con người sẽ làm bệnh lây lan. Virut từ trẻ mắc bệnh sẽ bắn ra môi trường xung quanh, có thể dính vô đồ chơi, bàn tay người lớn, bàn tay trẻ em, sàn nhà... Do vậy, nếu không vệ sinh sàn nhà, đồ chơi, rửa sạch tay trước khi chăm sóc trẻ... sẽ lây bệnh cho trẻ.

Ngoài ra, khi trẻ mắc bệnh người nhà không cho trẻ đi nhà trẻ để tránh lây bệnh cho những trẻ cùng học. Khi đã thực hiện tốt những điều này chắc chắn virut sẽ không tấn công được.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét