Quá hiếu động có thể là bệnh tâm lý

Một số bậc phụ huynh rất băn khoăn khi con thường quá hiếu động, khó tập trung, sao nhãng công việc đang làm. Nhưng sau những phút hiếu động mất tập trung, trẻ lại trở nên mơ màng, mông lung trong thế giới riêng của nó. Đó là những biểu hiện của bệnh tăng động giảm chú ý.
Lỗi chủ yếu là ở cha mẹ

Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường có cá tính ương ngạnh. Trẻ hay phản đối bất kỳ sự thay đổi nào nếu không ưng ý. Chẳng hạn, ăn cơm phải đúng cái bát có hình con hươu yêu thích, các đồ chơi không được ai đụng vào khi trẻ chưa cho phép. Trẻ hay gây gổ, sinh sự với người khác, hành động theo ngẫu hứng, hăng hái thái quá. Trẻ rất thèm ăn uống vì cần năng lượng để bù đắp cho vận động. Trẻ rất thích diễn đạt nhưng phát âm rất khó khăn, hay nói lắp. Cũng chính do hấp tấp, vội vàng nên trẻ rất vất vả trong khắc phục hạn chế về ngôn ngữ.

Những nghiên cứu tâm lý cho thấy, biểu hiện của trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý không phải là lỗi của trẻ mà do ảnh hưởng từ mẹ trong thời gian mang thai. Trong giai đoạn mang thai, nếu người mẹ luôn buồn rầu, hẫng hụt trong quan hệ tình cảm, rơi vào tình trạng bị stress thì nguy cơ đứa con mắc chứng rối loạn chú ý cao hơn những người có tâm trạng bình thường. Những người mẹ mang thai hút thuốc lá thì tỷ lệ con mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý cao hơn.
Một số biểu hiện của trẻ quá hiếu động: Hay gây gổ, sinh sự với người khác, hành động ngẫy hứng... (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, sự rối loạn tâm lý của trẻ còn do môi trường trong gia đình như cha mẹ hay sử dụng bạo lực, nghiện ngập. Sự chiều chuộng quá mức hay đáp ứng những đòi hỏi không hợp lý cũng khiến trẻ khó thích ứng với cuộc sống. Trẻ thường gây hấn hoặc tự ti khi tiếp xúc với người khác. Hậu quả hành vi của trẻ còn ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ cha mẹ - con cái sau này.

Trị liệu tâm lý như thế nào?

Những đứa trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý thường cần sự giúp đỡ, quan tâm nhiều hơn của cha mẹ và các nhà giáo dục để chúng có thể làm chủ hành động của mình, tập trung vào các công việc mà trẻ đang làm.

Trước hết, cha mẹ phải thường xuyên gần gũi và thể hiện tình cảm yêu thương đối với trẻ. Khi nói chuyện với trẻ, cần chú trọng giao tiếp bằng mắt, bằng biểu cảm trên mặt và giọng nói. Cha mẹ không nên áp dụng các hình thức kỷ luật có tính bạo lực mà hãy động viên, khen ngợi khi trẻ tập trung làm tốt một hoạt động nào đó. Cha mẹ phải phối hợp kịp thời với giáo viên của trường để cùng có biện pháp giáo dục thống nhất cũng như theo dõi các diễn biến tâm lý của trẻ. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia các trò chơi, các môn thể thao mà trẻ yêu thích.

Nếu nhận thấy trẻ có những biểu hiện rối loạn trong hoạt động và chú ý, các bậc phụ huynh cần tham khảo ý kiến của các nhà tâm lý trẻ em càng sớm càng tốt để áp dụng các liệu pháp trị liệu kịp thời, giúp trẻ sớm hoà đồng vào cuộc sống.

Nguyễn Văn Công
(Giảng viên tâm lý học, Trường ĐH Sỹ quan Lục quân 2)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét